Người Sài Gòn làm nông bằng phần mềm, truy nguồn qua mã vạch
Với phần mềm SmartAgri, người dân làm nông nghiệp thông qua điện thoại, máy tính còn người tiêu dùng có thể truy nguồn gốc bằng mã vạch kèm theo.
Ngày 5/7, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp với Ban quản lý Nông nghiệp Công nghệ cao (AHTP) giới thiệu phần mềm SmartAgri được ứng dụng thành công trong chăn nuôi, trồng trọt. Với phần mềm này, người nông dân chỉ cần nhập lệnh, việc chăm sóc sẽ do phần mềm vận hành theo quy trình định sẵn.
Phần mềm SmartAgri có đầy đủ các tính năng như hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí doanh thu theo mùa vụ; thu thập thông tin nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ pH… Hệ thống sẽ điều khiển các thiết bị để giữ cho điều kiện môi trường tuân theo quy trình chuẩn. Phần mềm còn hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất theo giống, mùa vụ, quy trình, khu vực sản xuất…
Dưa lưới trồng bằng phần mềm, có mã vạch kèm theo để truy nguồn gốc.
Trên SmartAgri cũng thiết lập một hệ sinh thái gồm nông dân, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua nhằm trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm… Hệ sinh thái này giống như mạng xã hội thu nhỏ dành cho giới nông nghiệp.
Từ cuối năm 2015, một khu nhà màng rộng hơn 1.000 m2 được đầu tư trồng dưa lưới bằng phần mềm SmartAgri. Nhân công chỉ việc điều khiển, quản lý ứng dụng nên được tinh giản tối đa. Đến cuối mùa thu được hơn 2 tấn dưa, khoảng 60 triệu đồng. So với cách làm cũ, sản lượng dưa lưới tăng khoảng 10%, chất lượng cũng đồng đều, bảo đảm hơn.
“Trước đây, việc xem xét nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây trồng phụ thuộc vào kinh nghiệm của con người thì nay thực hiện tự động thông qua các hệ thống chip cảm biến được gắn ở một số vị trí trong nhà màng. Điều này bảo đảm các yếu tố ảnh hưởng đến cây trồng luôn được giữ ở một mức độ phù hợp nhất”, ông Từ Minh Thiện, Phó ban quản lý AHTP nói.
Đặc biệt, mỗi quả dưa lưới đều có một mã vạch kèm theo, người tiêu dùng khi tiếp cận sản phẩm có thể kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ. Khi đó, họ sẽ biết được quả dưa làm như thế nào, thuốc trừ sâu, phân bón ra sao vì phần mềm ghi nhận và tích hợp quá trình sản xuất trên hệ thống điện toán đám mây
Vườn dưa lưới thử nghiệm phần mềm công nghệ ở Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao.
Đối với vật nuôi như bò sữa, ông Thiện cho biết phần mềm quản lý con bò từ nhịp tim, chế độ ăn uống, đi lại… Khi bò nhiễm bệnh, có thai, SmartAgri sẽ tự động điều chỉnh để đưa nguồn thức ăn phù hợp. Nếu sữa bị hư hỏng, có thể truy xuất để biết con bò nào bị bệnh để chữa trị, thay đổi khẩu phần ăn.
Ngoài ra, phần mềm còn có hệ thống cảnh báo tức thời qua tin nhắn, mail, chuông báo động cho người nông dân để nắm bắt, kịp thời có các giải pháp cho vật nuôi, cây trồng, thủy hải sản.
Công nghệ này đã góp phần tăng năng suất, chất lượng, tiết giảm chi phí đầu tư so với phương thức truyền thống. Trong tương lai, hình ảnh nhà nông vất vả, lạc hậu sẽ thay thế bằng những nông dân biết ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào thương mại, sản xuất.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long – Giám đốc QTSC – cho biết, đơn vị sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp, nông dân muốn sử dụng công nghệ vào sản xuất. Nhưng theo nhiều nông dân, doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất của chương trình là chi phí đầu tư khá cao. Hiện, một nhà màng sử dụng cho diện tích 1.000 m2 mất 300-600 triệu đồng, chưa kể giống, đầu tư lắp đặt một số thiết bị.
Nguồn Internet.